(sotttt.angiang.gov.vn) - 1. Hiện trạng triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số năm 2023
Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu trình UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tham mưu công tác phối hợp, góp ý hoàn thiện Kế hoạch CCHC tỉnh và xác định lĩnh vực Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình/Kế hoạch CCHC của tỉnh. Trong thời gian qua, việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh An Giang đạt được kết quả như sau:
Theo kết quả được công bố, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh An Giang năm 2023 đạt 81,32%, xếp hạng 63/63 tỉnh, thành phố của cả nước (thuộc nhóm B với kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố), giảm 21 hạng so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá lĩnh vực Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh An Giang, đạt 11,9112 điểm/13,5 điểm tăng 1.14 điểm và xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố - tăng 11 hạng so với năm 2022 (10.77 điểm và xếp hạng 20).
Tỷ lệ cung cấp DVCTT (đạt 77,37% - DVCTT một phần 653, toàn trình 913); Tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công 100% (xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố); Thanh toán trực tuyến 58,65% (xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố); Tỷ lệ số hóa 73,6% (xếp 18/63 tỉnh, thành phố); Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến 72,7% (xếp 13/63 tỉnh thành phố); Công khai minh bạch 64,7% (xếp 27/63 tỉnh, thành phố); Tiến độ giải quyết hồ sơ 97,14% (xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố).
Để đạt được kết quả đó là nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Một số kết quả nổi bật như sau:
- Hạ tầng Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp; Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh: 66,2%; Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh: 74,7%; Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định: 80,24%.
- Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh An Giang được xây dựng tập trung, thống nhất tại địa chỉ: https://dichvucong.angiang.gov.vn và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Thực hiện cung cấp dịch vụ công đáp ứng đầy đủ theo danh mục quy định của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ, tích hợp 100% DVCTT một phần và DVCTT toàn trình của tỉnh (1.348 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 97,4%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80,76% (chưa đạt tỷ lệ 100% ). Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 35,7% (chưa đạt tối thiểu 45%).
Triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đến 100% Bộ phận Một cửa các cấp, tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đạt 44,73%. Trong đó, cấp tỉnh: 93,87% (đạt trên 30%), cấp huyện: 33,11% (đạt trên 20%), cấp xã: 41,41% (đạt trên 15%).
- Hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành triển khai đáp ứng các quy trình nghiệp vụ quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, đồng thời liên thông gửi nhận văn bản với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương thông qua Trục liên thông văn bản Quốc gia (VDXP), liên thông gửi nhận văn bản giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh (đảm bảo kết nối 100% sở, ban, ngành và tương đương, UBND các cấp), góp phần triển khai thành công Chính quyền điện tử tỉnh và tích hợp chữ ký số.
Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt được xử lý trên môi trường mạng: 99% (Đạt trên 80%), 98,4% (Đạt trên 50%) và 92,3%.
- Cổng thông tin điện tử tỉnh được nâng cấp đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định, thực hiện công bố, công khai và cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo quy định và đã được chuyển đổi sang công nghệ IPv6; kết nối với Hệ thống thu thập đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống Tracking EMC).
- Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh An Giang (LGSP) thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với phần mềm, hệ thống nội bộ tỉnh; Liên thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (Nền tảng NDXP). Việc kết nối, liên thông được thực hiện thông qua Nền tảng NDXP đảm bảo tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam hiện hành.
Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức là 7/17 dịch vụ.
- Nguồn nhân lực số: Thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số đến xã, phường, thị trấn, khóm, ấp: Đã thành lập 1.035 Tổ công nghệ số cộng đồng, có 7.991 thành viên tham gia.
2. Khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh một số kết quả đạt được, thời gian qua, việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của Tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn dẫn đến nhiều nội dung, nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đã đề ra: hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến chưa cao; cán bộ, công chức chưa đảm bảo triển khai đúng quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định…
Một số tiêu chí bị mất điểm do nguyên nhân khách quan:
- Tiêu chí 7.1.2 Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 0.5/1 điểm (mất 0.5 điểm). Lý do bị mất điểm ở tiêu chí này là do Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ chưa sẵn sàng để kết nối nên các địa phương không thể kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ.
- Tiêu chí 7.1.4 Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức đạt 0,4118/1 điểm (mất 0.5882 điểm). Lý do: Tỉnh An Giang đã thực hiện kết nối 14 dịch vụ, theo đánh giá của Cục CĐSQG tỉnh An Giang có 7/17 dịch vụ đạt tỷ lệ 41.18%. Nguyên nhân: 07 dịch vụ đã kết nối nhưng chưa phát sinh giao dịch thường xuyên nên chưa được ghi nhận.
- Tiêu chí 7.3.2 Chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đạt 0,7695/ 1 điểm (mất 0,2305 điểm). Đây là tiêu chí điều tra xã hội học.
3. Các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số trong năm 2024
Để triển khai hiệu quả công tác xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn tỉnh, cần tập trung một số giải pháp, như sau:
- Nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc sử dụng DVCTT để giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử. Cán bộ, công chức tại Bộ phận Một cửa các cấp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ và trả kết quả bản điện tử có ký số theo quy định hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ tái sử dụng thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC trước đó và giải quyết hồ sơ TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
- Quan tâm, theo dõi thường xuyên, cải thiện và nâng cao Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số Chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Chú trọng một số chỉ tiêu quan trọng: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Thực hiện thanh toán trực tuyến và Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, phấn đấu đạt tỷ lệ 100%.
- Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân và trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công của tỉnh.
- Tiếp tục triển khai, duy trì và cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử đáp ứng theo Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.
- Nâng cấp, hoàn thiện các Hệ thống thông tin của Tỉnh nhất là Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trục LGSP và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm nội bộ tỉnh. Các ngành chủ động, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo tích hợp, kết nối và chia sẽ dữ liệu thông suốt giữa các hệ thống Hệ thống thông tin do bộ, ngành Trung ương triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, Hệ thống phần mềm chuyên ngành theo hướng dẫn từ Bộ, ngành Trung ương.
- Các ngành, các cấp tiếp tục rà soát tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh danh mục để đảm bảo 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến toàn trình, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, rà soát đảm bảo tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng quốc gia đạt tỷ lệ 100%.
- Tiếp tục khai thác có hiệu quả các dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã đưa vào sử dụng chính thức: các dịch vụ có phát sinh giao dịch thường xuyên và dịch vụ dữ liệu chưa phát sinh giao dịch thường xuyên trong năm 2022. Tiếp tục duy trì và đảm bảo kết nối đầy đủ các dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
- Các ngành tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các địa phương triển khai thực hiện các chính sách, mô hình nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện và sử dụng DVCTT, dịch vụ BCCI.
- Rà soát, đảm bảo trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp nhận, số hóa hồ sơ giải quyết TTHC (máy tính, máy scan, chứng thư số,…). Công bố, công khai và cập nhật đầy đủ, kịp thời danh mục TTHC, quy trình nội bộ điện tử, biểu mẫu điện tử (mẫu đơn, tờ khai) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh An Giang.
Nguyễn Thuận