UBND tỉnh An Giang phê duyệt Kế hoạch triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang

Sở TT&TT AG - Ngày 07/9/2021, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Anh Thư đã có ý kiến thống nhất phê duyệt Kế hoạch số 63/KH-TCN&TT ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Tổ Công nghệ - Truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về việc triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang.
 
Theo đó, Thống nhất triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang các hệ thống, phần mềm, nền tảng:
 
1. Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng:
 
- Sử dụng các ứng dụng di động phục vụ việc khai báo y tế điện tử: Ứng dụng cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần (Bluezone), Hệ thống quản lý khai báo y tế (Vietnam Health Declaration - VHD), NCOVI.
 
- Tổ chức triển khai: áp dụng việc đăng ký, quét mã QRcode tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Bluezone để bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
 
2. Nền tảng truy vết:
- Sử dụng các ứng dụng, giải pháp công nghệ phục vụ công tác truy vết đối tượng f0, f1, f2 như: Bluezone, BTS.
 
- Hình thức triển khai: Phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia thực hiện truy vết sau khi nhận thông tin yêu cầu từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện hay tổ chuyên trách truy vết cấp tỉnh/cấp huyện gửi thông tin yêu cầu đến Sở thông tin và Truyền thông để thực hiện.
 
3. Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19
 
- Thực hiện đăng ký, quản lý thông tin tiêm chủng của tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng nền tảng tiêm chủng vắc xin toàn quốc gồm: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn) và ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên thiết bị di động.
- Hình thức triển khai:
 
+ Toàn bộ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cài đặt, sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, cập nhật dữ liệu đầy đủ, trung thực; tiến hành đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tình trạng sức khỏe thông qua ứng dụng. Trong trường hợp không có điện thoại thông minh thì có thể nhờ người thân khai báo hoặc khai báo trên Cổng thông tin điện tử https://tiemchungcovid19.gov.vn.

+ Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và khai báo trên Cổng thông tin điện tử https://tiemchungcovid19.gov.vn để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân; có các thông điệp, khuyến cáo đến người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn; tuyên truyền về liệu trình tiêm, các khuyến cáo về đối tượng tiêm, hiệu quả phòng dịch, bệnh COVID-19 của các loại vắc xin sử dụng trong Chiến dịch tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng của từng loại vắc xin.
 
4. Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid-19 theo hình thức điện tử trực tuyến:
 
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến để hỗ trợ nhân viên y tế trong việc quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, khắc phục tình trạng chờ đợi khi xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm chậm, trả kết quả chậm và giảm tải cho đội ngũ y tế đang phải thao tác thủ công trong khi lấy khối lượng mẫu lớn.
 
Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ quản lý xét nghiệm, người dân tham gia lấy mẫu sẽ cài đặt ứng dụng Bluezone và khai báo y tế để được cấp một mã QR

cá nhân trên điện thoại, khi lấy mẫu chỉ việc xuất trình QR cá nhân của mình cho nhân viên y tế. Nhân viên y tế sẽ dùng máy quét hoặc điện thoại có cài ứng dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu, sau đó quét mã QR cá nhân của người dân để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm. Trường hợp lấy mẫu gộp, nhân viên y tế sẽ tiếp tục quét mã QR code của những người trong nhóm rồi lẫy mẫu của cả nhóm đưa vào ống nghiệm là xong quy trình lấy mẫu. Trong trường hợp không có smartphone, người dân có thể điền vào giấy khai báo y tế được phát khi đến lấy mẫu, cán bộ y tế sẽ nhập liệu trực tiếp ngay lên nền tảng trong quá trình lấy mẫu. Người dân sẽ nhận kết quả xét nghiệm ngay trên ứng dụng Bluezone.
 
5. Phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 và Bản đồ thông tin tình hình dịch tể COVID-19:
 
- Cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào hệ thống phần mềm tại địa chỉ https://covid.yte.gov.vn.
- Hình thức triển khai:
* Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp và hỗ trợ tên miền triển khai hệ thống trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ phối hợp vận hành hệ thống.
 
* Theo nội dung Công văn số 2518/SYT-NVY ngày 20/8/2021 của Sở Y tế, theo đó:

+ Trung tâm kiểm soát bệnh tật cung cấp nguồn số liệu F0 theo mẫu excel được cung cấp.
 
+ Các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cung cấp nguồn số liệu F1, F2 theo mẫu excel được cung cấp và dữ liệu đánh giá nguy cơ tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
 
+ Giai đoạn đầu vận hành, Sở Y tế cử cán bộ công nghệ thông tin làm trung gian đưa số liệu F0, F1, F2 và dữ liệu đánh giá nguy cơ vào hệ thống phần mềm tại địa chỉ https://covid.yte.gov.vn, sau đó bàn giao cách cập nhật dữ liệu cho các đầu mối phụ trách.
 
6. Chuyên trang thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19):
 
Thường xuyên cập nhật, đăng tải các tin bài về về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến người dân. Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản áp dụng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
 
7. Hệ thống phòng họp trực tuyến:
 
Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh triển khai các phòng họp trực tuyến linh động, nhanh chóng đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.
 
8. Triển khai thử nghiệm Tổng đài 1022 và 1900866613:
 
- Nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương triển khai thử nghiệm Tổng đài 1022 trên địa bàn tỉnh phục vụ tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ công dân, tổ chức gặp khó khăn do dịch COVID-19
 
- Phối hợp Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan triển khai giải pháp Tổng đài 1022 khi được UBND tỉnh chấp thuận và tổng đài 1022 sẽ tiếp tục triển khai tích hợp vào Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh để thực hiện là kênh thông tin giao tiếp giữa người dân và CQNN.
 
- Phối hợp Tổng Công ty giải pháp doah nghiệp Viettel triển khai hệ thống Cyber Call Bot (tổng đài dùng trí tuệ nhân tạo (AI) trả lời khách hàng bằng tiếng Việt) với kịch bản nội dung là những câu hỏi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Số tổng đài hòa mạng chính thức là 1900866613.
 
9. Thanh toán không dùng tiền mặt:
 
Thúc đẩy thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, tài khoản ngân hàng (MobileBanking, InternetBanking), góp phần tạo sự thuận tiện cho người dân và hạn chế nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc gần, giảm được nhiều rủi ro hơn khi dùng tiền mặt.
 
10. Kế hoạch 100% Dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4:
 
Đẩy nhanh triển khai và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 năm 2021 trên địa bàn tỉnh An Giang theo kế hoạch số 513/KH-UBND ngày 16/8/2021 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
 
11. Triển khai thử nghiệm Hệ thống hỗ trợ “Khám chữa bệnh từ xa” và “Hệ thống hội chẩn từ xa”:
 
Nghiên cứu phối hợp VNPT An Giang triển khai thử nghiệm “Hệ thống khám chữa bệnh từ xa (VNPT vnCare)” và “Hệ thống hội chẩn từ xa (VNPT MIS)”.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời đề nghị đến Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
 
Nguồn: Công văn số 4714/VPUBND-KGVX ngày 07/09/2021 
ĐV