(sotttt.angiang.gov.vn) - Ngày 24/10, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1055/KH-UBND thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo kế hoạch, An Giang phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện là tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung huy động, khơi thông các nguồn lực để đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn, cấp thiết có tính kết nối hệ thống hạ tầng quốc gia, vùng đồng bằng sông Cửu Long và nội tỉnh, liên tỉnh nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường liên kết phát triển với các địa phương trong vùng và cả nước, bảo đảm đưa tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới.
An Giang tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ từng bước hiện đại theo Kết luận số 72-KL/TW và Quyết định số 693/QĐ-TTg gắn với việc tổ chức không gian phát triển của tỉnh, các vùng, hành lang kinh tế theo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh An Giang và các quy hoạch có liên quan thuộc quản lý của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực như văn hóa - xã hội, giao thông vận tải - xây dựng, công thương, nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, thông tin và truyền thông nhằm định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng cường kết nối nội tỉnh, các tỉnh trong vùng, liên vùng; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Kết luận số 72-KL/TW và Quyết định số 693/QĐ-TTg. Tham mưu, triển khai xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông với công nghệ tiên tiến, hiện đại; trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh: du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, giáo dục, y tế, quản lý tài nguyên môi trường, giao thông, logistics, v.v. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông, bưu chính và Internet; thực hiện quang hóa và ngầm hoá các hệ thống cáp mạng viễn thông, truyền hình; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu lớn của tỉnh, bảo đảm an ninh thông tin.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành về xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phân cấp đầu tư, giao quyền cho địa phương và người đứng đầu, đề cao tinh thần, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư./.
Nguồn: Kế hoạch số 1055 /KH-UBND ngày 24/10/2024.
Ánh Huệ