Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Nghị định gồm 22 điều, trong đó có nhiều quy định đáng chú ý, đặc biệt là điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL.
Nghị định quy định 5 nội dung được giao trong Luật TGPL năm 2017 gồm: Điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL; tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) và Chi nhánh của Trung tâm; chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL; thủ tục thanh toán vụ việc TGPL; thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 144 điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL là người thuộc hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
Về chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý, thì Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật và được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề (bằng 25% mức lương hiện hưởng), phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp vượt khung (nếu có) và được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn cụ thể.
Về thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL, đối với hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp động thực hiện TGPL với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc là 0,38 mức lương cơ sở/1 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/1 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/1 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/1 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể).
Đối với hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp động thực hiện TGPL với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc là 0,31 mức lương cơ sở/1 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc; Đối với hình thức tư vấn pháp luật, luật sư và cộng tác viên TGPL ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08-0,15 mức lương cơ sở/1 văn bản tư vấn pháp luật (tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc).
Trợ giúp viên pháp lý được hưởng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng và được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện TGPL bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng.
Đồng thời, khi thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cần có thời gian thu thập chứng cứ hoặc xác minh làm rõ vụ việc, người thực hiện TGPL còn được thanh toán chi phí phát sinh thực hiện vụ việc TGPL theo quy định.
Tính chất, nội dung vụ việc, cách tính buổi, thời gian để làm căn cứ chi trả thù lao thực hiện vụ việc cho người thực hiện TGPL theo buổi làm việc thực tế hoặc khoán chi vụ việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Nhật Thy
Theo tiengchuong.vn