Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025

(sotttt.angiang.gov.vn) - Ngày 20/8/2024, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch số 798/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) năm 2025 với định hướng ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Mục tiêu trong năm 2025 thành lập mới 33 HTX và 100 Tổ hợp tác, phấn đấu lũy kế đến hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 380 HTX và duy trì ổn định hoạt động hiệu quả 02 LHHTX hiện có trong lĩnh vực nông nghiệp; Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 90%, trong đó HTX nông nghiệp xếp loại tốt, khá trên 70%; Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đạt trình độ đại học, cao đẳng ít nhất 24%, và 15% có trình độ trung cấp, sơ cấp; Có ít nhất 30% số HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp hoặc có doanh nghiệp tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX. 

Để đạt được mục tiêu trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTT, HTX, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách nhiệm vụ về KTTT được tham gia bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực quản lý; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển KTTT, HTX; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển KTTT, HTX hàng năm phải bám sát với các chỉ tiêu tại Quyết định số 2881/QĐ-UBND ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Luật HTX 2023, chính sách phát triển HTX, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... bằng nhiều hình thức đa dạng; Khuyến khích HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi và giới thiệu nhiều doanh nghiệp uy tín, có tiềm lực tài chính để giới thiệu đến các HTX; Tiếp tục tuyên truyền, vận động phát triển mới, nâng chất các HTX hiện có, mở rộng dịch vụ gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với doanh, góp phần thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại An Giang; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX; Rà soát các giải pháp xử lý tình trạng các HTX ngưng hoạt động, hoạt động yếu kém, đồng thời khẩn trương xử lý dứt điểm các HTX thuộc trường hợp phải giải thể bắt buộc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến cuối năm 2025 hoàn thành mục tiêu đề ra.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch này, trên cơ sở nhiệm vụ được giao trong công tác phát triển KTTT, HTX hoàn thiện kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025 của ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý và lồng ghép nội dung phát triển KTTT, HTX vào các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển có liên quan khác.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh An Giang có 291 HTX, 02 LHHTX và 1.193 Tổ hợp tác. Trong đó: còn 269 HTX, 02 LHHTX và 987 THT đang hoạt động; ngưng hoạt động là 15 HTX, giải thể 02 HTX, 05 HTX đang rà soát thông tin hoạt động. Doanh thu bình quân của HTX, LHHTX là 6.400 triệu đồng/năm; lãi bình quân HTX, LHHTX 1.227 triệu đồng/năm, tăng khoảng 3% so với thời điểm cùng kỳ năm 2023.

Số thành viên HTX trên toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại ước khoảng 137.988 thành viên, của LHHTX là 18 thành viên HTXNN; của Tổ hợp tác là 16.667 thành viên. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX là 64,26 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 02% so với năm 2023 (HTXNN là 38 triệu đồng/người/năm).

Nguồn: Kế hoạch số 798/KH-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh.

Thiên Nhi