An Giang: Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới công tác thông tin thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến 2030

(sotttt.angiang.gov.vn) - Nhằm triển khai Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2024 và thay thế Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Công thương

Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả và xuất khẩu gạo bền vững, giảm về lượng và tăng về chất, duy trì ổn định, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo. Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế, nguồn cung gạo, phát triển thị trường, hỗ trợ xuất khẩu, nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông triển khai giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại của các tổ chức xúc tiến thương mại, thương nhân, hợp tác xã tham gia sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo; Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong thương nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025 trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu; Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu; Chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và đài truyền thanh cơ sở tăng cường hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận GẠO AN GIANG trên các phương tiện thông tin đại chúng, và thông qua các kênh thương mại điện tử.

Cụ thể, đối với thương mại điện tử và chuyển đổi số, An Giang đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ ngành xuất khẩu gạo; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thương mại điện tử với hạ tầng thanh toán. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại của các tổ chức xúc tiến thương mại, thương nhân, hợp tác xã tham gia sản xuất, cung ứng, xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong thương nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025 trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu. Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh gạo, chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, An Giang sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; tăng cường hợp tác, kết nối trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với các đối tác trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Hợp tác đầu tư sản xuất lúa gạo tại các nước có nhu cầu và có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa gạo.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và đổi mới công tác thông tin như phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam trong giới thiệu, hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo kết nối thương mại, phối hợp đẩy mạnh hơn nữa quảng bá thương hiệu và sản phẩm gạo An Giang tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đẩy mạnh việc đưa mặt hàng gạo tỉnh An Giang vào hệ thống phân phối nước ngoài và quảng bá sản phẩm gạo thông qua các kênh thương mại điện tử và hoạt động đối ngoại. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo; tăng cường hợp tác, kết nối trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với các đối tác trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP để phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam; hỗ trợ cung cấp chuyển tiếp thông tin về hệ thống thông tin, dự báo về tình hình thị trường; cơ sở dữ liệu về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại các thị trường xuất khẩu chính để thương nhân và người dân tiếp cận định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong trường hợp đối tác nhập khẩu có đề nghị.

Hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa theo Quyết định số 14/2023/QĐ- UBND ngày 05/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND…/.

Nguồn: Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 15/3/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo tỉnh An Giang định hướng đến năm 2030

Ánh Huệ

Ánh Huệ