SoTTTT AG - Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, hồi 4 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 – 7 (40 – 60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 15 – 20km/h, đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50km/h), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa; ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Bộ có mưa to và có khả năng kéo dài 2 – 3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, đề phòng mưa lớn, dông lốc, ngập úng, … ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ để hạn chế thiệt hại:
Tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần Công văn số 2233/UBND-KTN và Công văn số 2234/UBND-KTN ngày 24/12/2017 của UBND tỉnh về việc khẩn trương triển khai ứng phó do ảnh hưởng bão số 16 và Công văn số 98/PCTT ngày 24/12/2017 của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh về việc theo dõi tình hình thời tiết, để chủ động đối phó với bão số 16. Đồng thời, tăng cường theo dõi thông tin về tình hình thời tiết nguy hiểm, ATNĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời thông báo, cảnh báo cho người dân biết để chủ động ứng phó.
Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng địa phương, dân quân cơ động tại chỗ, lực lượng thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, … xử lý các trường hợp cấp bách để giúp người dân thu hoạch lúa vụ Thu Đông năm 2017, chằng chống nhà cửa… trong tình hình dông lốc, mưa lớn kéo dài không để bị động, bất ngờ tham gia cứu hộ, cứu nạn, giữ vững trật tự an ninh xã hội, …
Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra hệ thống đê điều, cống bọng và trạn bơm tiêu kịp thời chống úng bảo vệ an toàn sản xuất.
Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông khi có sự cố xảy ra.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là hệ thống phát thanh, truyền tin ở các ấp, xã, phường, thị trấn tiếp tục phát sóng, cật nhật, đưa tin kịp thời về diễn biến thời tiết nguy hiểm, ATĐN, dự báo, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan trung ương, địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang quản lý, vận hành đóng, mở hệ thống cóng hợp lý theo yêu cầu thực tế từng khu vực vào thời điểm sản xuất.
Đề nghị công ty Điện lực An Giang tiếp tục cung cấp điện cho các trạm bơm đảm bảo bơm tiêu chống ún bảo vệ sản xuất vụ Thu Đông 2017, bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018. Kiểm tra an toàn điện và gia cố hệ thống lưới điện hạn chế thấp nhất đỗ ngã.
Ngoài ra, các chủ đầu tư, đơn vị đang thi công công trình có kế hoạch bảo vệ công trình, tránh hư hỏng do ảnh hưởng của mưa, dông lốc,… Đối với các công trình chưa kịp hoàn thành hoặc không bảo đảm tiến độ phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị để kịp thời xử lý khắc phục khi có sự cố xảy ra, nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu biết thêm về các biện pháp ứng phó với dông lốc, mưa lớn kéo dài gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất vụ Thu Đông 2017, Đông Xuân 2017 – 2018; chỉ đạo lắp đặt các trạm bơm điện tạm thời đề phòng các đợt mưa gây ngập úng cục bộ nhằm chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất lúa, rau màu; khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, rà soát, kiểm tra các hệ thống đê bao, bờ bao, tăng cường gai cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở khi có mưa lớn xảy ra, có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cấp tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa bàn phụ trách, có báo cáo kịp thời về Thường trực Ban Chỉ huy; đồng thời tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND cấp huyện ứng phó, khắc phục tình hình diễn biến thời tiết nguy hiểm, ATĐN trong tỉnh (mưa, dông lốc,…) gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt đời sống nhân dân.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 và báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh nếu địa phương có bị ảnh hưởng để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
Nguồn: CV số 104/PCTT ngày 26/12/2017