Sở TT&TT AG - Theo đó, trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau: nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng từ 02 lần so với năm 2020;
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% - 4%/năm; 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 70% ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học, trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; Trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu; 80% ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điểm sinh hoạt cộng đồng phù hợp; 50% ấp có đội văn hóa, văn nghệ.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, UBND tỉnh phân công Sở Thông tin và Truyền thông An Giang chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Đài phát thanh và truyền hình An Giang, Báo An Giang và các sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông có liên quan làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chương trình; hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự; góp ý kiến thẩm định đối với các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, kế hoạch thuê trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin; đầu tư, củng cố hệ thống thông tin cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức, dân trí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặt hàng sản xuất các chương trình truyền hình, chương trình truyền thanh, các sản phẩm, nội dung, kênh, phương thức truyền thông số.
Đối với Nhiệm vụ và giải pháp, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nên các địa phương chủ động xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện theo phân cấp quản lý, đồng thời tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Triển khai có hiệu quả Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Lồng ghép các cơ chế chính sách nhằm tích hợp, tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tiềm năng lợi thế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm tại địa phương.
Thực hiện tốt có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; đầu tư xây dựng, sữa chữa, trang thiết bị y tế.
Huy động các nguồn lực hợp pháp, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, các chương trình chính sách trên địa bàn để thực hiện đầu tư có hiệu quả. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần tự lực, tự chủ của người dân, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất; thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển ngành nghề truyền thống, phát huy địa thế về du lịch.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh, trật tự, phấn đấu kéo giảm tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thiếu sót trong quá trình thực hiện; biểu dương khen thưởng và nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả./.
Nguồn: Kế hoạch số 687/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh
TN