Một số kết quả nổi bật trong 03 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu ASEAN đến năm 2025 tại An Giang

SoTTTT AG - Triển khai thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2017 về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu quả, với mục tiêu thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ các cơ hội nhằm huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động; thực hiện các mục tiêu Cộng đồng ASEAN gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
 
Theo đó, kết quả thực hiện từ năm 2016 đến tháng 6/2018, An Giang đạt được nhiều kết quả trong công tác rà soát, lồng ghép và tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025 trong Kế hoạch của tỉnh. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và Đề án. Triển khai nhiều hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập; các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững; các hoạt động xây dựng cộng đồng tự lực, tự cường; các hoạt động xây dựng cộng đồng năng động. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Đề án, thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.
 
An Giang đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 30 tháng 5  năm 2017 về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh An Giang; song căn cứ vào nhiệm vụ, các Sở, Ngành đã lồng ghép triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị bước đầu đã thu được những kết quả đáng kể.
 
Tỉnh đã tạo cơ chế thu hút nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng; các Sở, Ngành trong tỉnh thường xuyên công khai, minh bạch cho tổ chức, doanh nghiệp các thông tin về cơ chế, chính sách, quy hoạch… đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang để tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước ở các cấp, gắn với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính được triển khai rộng khắp toàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả rất phấn khởi, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của công dân, các doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận của đa số tổ chức, công dân. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc triển khai các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ngày càng được nâng cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng, đã góp phần nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường trong các tầng lớp chính trị, xã hội và nhân dân. Các mô hình sinh kế bền vững từng bước được thử nghiệm và áp dụng rộng rãi để nâng cao đời sống và thu nhập của người dân từ đó cải thiện khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán và các rủi ro thiên tai khác. Mặc dù đến nay hiệu quả các mô hình này chưa đáp ứng như kỳ vọng, nhưng phần nào giải quyết được những yêu cầu trước mắt cũng như thách thức trước tác động của biến đổi khí hậu.
 
Sự hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, kỹ thuật, tài chính và tư vấn của các tổ chức quốc tế đã phần nào thay đổi được nhận thức của người dân, đời sống người dân nông thôn được nâng lên, các rủi ro thiên tai từng bước được kiểm soát, các kỹ năng thích ứng ngày càng được nâng cao.
 
Theo đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác cải cách hành chính, ban hành Kế hoạch cải cách hành chính từng năm cụ thể để thực hiện mục tiêu đề ra của Chương trình cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, trọng tâm, như: quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; ban hành danh mục thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại 4 Trung tâm Hành chính công của tỉnh, 100% thủ tục đưa vào thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND cấp huyện, cấp xã, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp, Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, khang trang, phục vụ nhân dân ngày được tốt hơn; ban hành Quy chế xin lỗi cá nhân, tổ chức vì sự sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch giám sát, công khai và xử lý đối với cơ quan, địa phương, cá nhân giải quyết chậm, để trễ hạn thủ tục hành chính; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Báo An Giang theo định kỳ hằng tháng; hoạt động kiểm tra công vụ được đẩy mạnh, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm văn hóa công sở, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước ở các cấp, gắn với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính được triển khai rộng khắp toàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả rất phấn khởi, giảm chi phí hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của công dân, các doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận của đa số tổ chức, công dân.
Thu hút đầu tư: Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực (trong đó có 07 dự án thuộc Ban quản lý Khu kinh tế quản lý), với tổng vốn đăng ký đầu tư 259.791.333 USD, tổng vốn thực hiện là 135.373.302 USD (chiếm 52% tổng vốn đầu tư đăng ký)
 
Triển khai thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề nghiệp theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.... Với các biện pháp triển khai khá tích cực và đồng bộ, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 59.900 học viên. Ước đến hết năm 2018 (3 năm) tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 75.400 người (trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 37.450 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân được nâng lên, từ 38,8% năm 2016 lên 42,5% năm 2017, và ước đạt 47,6% năm 2018. Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân được nâng lên, từ 53,3% năm 2016 lên 56,6% năm 2017, và ước đạt 60% năm 2018. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường đưa lao động An Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình Việc làm tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020. Tích cực hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc tổ chức các Phiên giao dịch việc làm, tổ chức Ngày giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động...Từ năm 2016 đến nay, đã giải quyết việc làm cho trên 78.400 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 960 người). Ước đến hết năm 2018 (3 năm) giải quyết việc làm cho 91.697 lao động (đạt 101,8% kế hoạch). Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.
 
Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện với các giải pháp khá toàn diện và chủ động. Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người được ưu tiên đầu tư và phát huy tốt hiệu quả xã hội. Từ năm 2016 đến nay đã mua và cấp 758.905 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (kinh phí trên 367 tỷ đồng); miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho trên 370.000 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo (kinh phí trên 150 tỷ đồng); hỗ trợ đất ở 644 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); hỗ trợ đào tạo nghề 83 lao động (trên 21,3 tỷ đồng); hỗ trợ nhà ở cho trên 1.787 hộ nghèo (trên 70.560 triệu đồng); hỗ trợ tiền điện cho 127.171 hộ nghèo (kinh phí 74,443 tỷ đồng); hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 65.400 hộ (1.352 tỷ đồng). Thực hiện tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí cho 2.035 lượt người nghèo, người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội. Đảm bảo trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng cho 222.449 lượt đối tượng bảo trợ xã hội (kinh phí 807 tỷ đồng/năm).
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,45% đầu năm 2016 ước đến cuối năm 2018 còn 3,89%. (Khả năng thực hiện mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (2016 - 2020) đạt với Nghị quyết đề ra do đã trừ số hộ nghèo bảo trợ xã hội theo hướng dẫn xét công nhận đạt tiêu chí hộ nghèo (chuẩn nông thôn mới) tại Công văn 267/CV-VPQGGN ngày 28/9/2016 của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo).
 
Ổn định diện tích đất 03 loại rừng đến năm 2020 (16.868 ha); duy trì độ che phủ rừng và cây lâm nghiệp phân tán ở mức độ 22,4%; không có diện tích rừng bị chặt phá, thực hiện hoàn thành mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Nhân rộng phương thức sản xuất nông lâm kết hợp trồng xen dưới tán cây rừng; diện tích trồng xen vào rừng phòng hộ và đất vườn tại 03 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn là 36 ha.  Triển khai chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020”. Triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo thuộc Chương trình 135. Từ năm 2016 - 2018 tổng kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình 135 được trung ương phân bổ cho tỉnh là 11.768 triệu đồng.
 
Tăng cường kiểm soát hoạt động đánh giá tác động môi trường, hoạt động khoa học công nghệ đối với các dự án đầu tư mới nhằm hạn chế công nghệ lạc hậu phát thải cao; tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án biến chất thải thành năng lượng sạch (CDM), sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch sản xuất theo công nghệ thủ công hiện nay; đề án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học; đến năm 2020 cắt giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất lúa, gạo là 4% so với năm 2013, định hướng sau năm 2020, mỗi năm giảm phát thải thêm 1% so với năm 2010. Việc triển khai công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có 07 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đã triển khai đóng lấp 04 bãi rác; các bãi rác còn lại đang xin hỗ trợ vốn từ Trung ương sẽ triển khai tiếp. Hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho 06/06 bệnh viện, đưa vào sử dụng 53/53 lò hỏa táng cải tiến tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh.
 
Cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để thực hiện công tác hợp tác ASEAN; đồng thời chủ động xây dựng thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hợp tác ASEAN trong phạm vi của địa phương…./.
 
Nguồn: 559/BC-UBND ngày 13/9/2018
PTAH