(Sở TT&TT AG) – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành Kế hoạch Triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh An Giang theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025
Mục đích của kế hoạch là triển khai có hiệu quả Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đảm bảo sắp xếp báo chí tinh gọn, hiệu quả để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 05 cơ quan báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động: Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang; Báo An Giang; Tạp chí Thất Sơn; Tạp chí Khoa học quốc tế AGU; Tạp chí Khoa học và Công nghệ.
Ảnh minh họa
* Phương án và lộ trình sắp xếp đến năm 2020:
Đối với báo và tạp chí in sắp xếp gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 01 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định.
Về phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện: gồm có 01 cơ quan báo chí thuộc Đảng bộ Tỉnh An Giang: có Báo An Giang; 01 cơ quan tạp chí thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang: có Tạp chí Thất Sơn; 01 Trường Đại học có cơ quan tạp chí chuyên ngành: có Tạp chí Khoa học quốc tế AGU; Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc tỉnh không có cơ quan báo chí. Đến hết năm 2020, các cơ quan báo chí hoàn thành sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Đối với phát thanh, truyền hình sẽ đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 01 ngày của kênh đó. Đài phát thanh, truyền hình tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.
Phương án sắp xếp: gồm 01 Đài phát thanh và truyền hình: có Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, có 01 kênh phát thanh và 01 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang hoàn thành sắp xếp theo đúng quy hoạch.
Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử sắp xếp tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các cơ quan, tổ chức có cơ quan báo, tạp chí in như quy hoạch thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Tạp chí điện tử phải thể hiện tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử. Lộ trình thực hiện: sắp xếp theo lộ trình như đối với báo, tạp chí in.
Các cơ quan chủ quản báo chí có cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp có hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định. Chậm nhất đến ngày 30/6/2020, các cơ quan chủ quản báo chí thuộc diện sắp xếp phải thực hiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành cấp phép, thu hồi giấy phép theo quy định.
Quách Vân