Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2023

(sotttt.angiang.gov.vn) - Ngày 30/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
 

Các điểm cầu trực tuyến
 
Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ TT&TT; Lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố. Hội nghị được tổ chức qua hình thức trực tiếp và truyền hình trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị thông qua báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 1.614.206 tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TTTT ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2023 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước, đạt 99,17% so với kế hoạch năm. 
 

Đồng chí Lê Quốc Cường - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tại điểm cầu An Giang
 
Bộ TT&TT xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023 bao gồm: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành, trong đó, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản trong thời gian tới để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiến hành sửa đổi Luật khi được Quốc hội, Chính phủ đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật; Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; trong đó chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản. Ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, đánh giá các chỉ số phát triển của ngành xuất bản trên cơ sở so sánh với chỉ tiêu phát triển khu vực và thế giới; Tổ chức Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ Sáu; Tổ chức Hội nghị tập huấn công tác biên tập xuất bản năm 2023; Tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất nhập khẩu xuất bản phẩm năm 2023; Tổ chức Hội chợ sách quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; Đào tạo cán bộ cho Lào; Xây dựng Đề án phát triển nhà xuất bản trọng điểm; Xây dựng Bộ chuẩn hóa quy định về nghề in theo xu hướng phù hợp với CMCN 4.0. Đồng thời, tập trung hoàn thiện các chính sách luật của ngành: Xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản (dự kiến ban hành Tháng 11/2023).