(sotttt.angiang.gov.vn) - Sáng ngày 21/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình số 553/CTr-UBND ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường UBND tỉnh và được trực tuyến đến điểm cầu 11 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, với gần 700 đại biểu tham dự.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có đồng chí Lê Quốc Cường – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang; thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, một số doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang (bìa phải), Đồng chí Lê Quốc Cường – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (bìa trái)
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số"; Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang được xác định là một trong sáu chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ngày 09/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình số 553/CTr-UBND về Chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình). Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo động lực phát triển xã hội số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh về Du lịch, Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục.
Chương trình đưa ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện.
Hình ảnh điểm cầu UBND tỉnh
Hình ảnh điểm cầu 11 huyện, thị xã, thành phố
Chương trình đã được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Theo đó, Tỉnh đã ban hành 01 Nghị quyết, 01 Chương trình, 15 Quyết định và 07 Kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, đã có 23 dự án/ nhiệm vụ về công nghệ thông tin và chuyển đổi số được triển khai với tổng kinh phí dự kiến là 56.849 triệu đồng; 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu đề ra; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, đã được hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; cung cấp 100% DVC toàn trình các TTHC đủ điều kiện, được xếp mức độ A; triển khai thử nghiệm SmartAnGiang giúp kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; Hệ thống Camera Biên phòng và các Hệ thống Camera an ninh trật tự tại các huyện, thị, thành góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn biên giới…
Lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tham luận
về công tác chuyển đổi số của tỉnh An Giang trong thời gian qua
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
1. Sở, ban, ngành và địa phương:
Chủ động rà soát, tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình 553/CTr-UBND và Nghị quyết số 01-NQ/TU theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó ưu tiên triển khai các giải pháp hoàn thành sớm các chỉ tiêu về xây dựng Chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Quan tâm chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn về chuyển đổi số đội ngũ CBCC-VC; tiên phong đi đầu trong ứng dụng thực hiện Dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục của cá nhân mình để qua đó có thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân tốt hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp để phục vụ người dân tốt hơn; đồng thời đảm bảo trang thiết bị để triển khai thực hiện.
Xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo liên thông và chia sẻ theo quy định; phối hợp cung cấp đầy đủ số liệu cho Trung tâm IOC tỉnh, Cổng dữ liệu mở của tỉnh.
Đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác quản lý, trong các dịch vụ của ngành, lĩnh vực phụ trách nhằm phục vụ người dân doanh nghiệp tốt hơn.
Phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo nguồn lực phù hợp cho việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; triển khai đầy đủ phương án, giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
2. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan ưu tiên bố trí đảm kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì tổ chức rà soát, hệ thống lại tất cả các nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, kể cả các nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc Đề án 06, Chương trình cải cách hành chính. Đề xuất điều chỉnh, thay đổi, bổ sung các kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đã ban hành, đảm bảo phân công rõ từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu, cơ quan chủ trì, chế độ theo dõi báo cáo; khẩn trương đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/8/2022.
Chủ trì phối hợp cùng các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có giải pháp triển khai đạt các chỉ tiêu chưa đạt tỷ lệ.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về Chuyển đổi số, kỹ năng số, an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, đảm bảo 100% lãnh đạo CBCC-VC trong CQNN phải được bồi dưỡng tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng báo cáo công việc.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án về chuyển đổi số đã có chủ trương của UBND tỉnh; trong đó, khẩn trương triển khai dự án Trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Tham mưu UBND tỉnh triển khai các mô hình xã nông thôn mới thông minh theo Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết 01-NQ/TU.
Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức, thành lập đoàn công tác học tập kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số thành công của các tỉnh, thành đã triển khai hiệu quả để có chọn lựa mô hình hay, phù hợp địa phương.
4. Văn phòng UBND tỉnh:
Theo dõi, báo cáo kịp thời thông tin dữ liệu các đơn vị cung cấp về IOC tỉnh không đầy đủ, thiếu dữ liệu.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống thông tin báo cáo dữ liệu động (LRIS) trên địa bàn tỉnh góp phần đảm bảo đến 2025, "Tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến năm 2025 đạt 90%” (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh).
5. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị có liên quan hỗ trợ Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai Nền tảng giám định sinh vật gây hại cho cây trồng trên địa bàn tỉnh, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng trên phạm vi toàn quốc (theo Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023, Quyết định số 88/QĐ-BCĐ ngày 29/6/2023 của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang).
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh An Giang: Chủ động rà soát, tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Chương trình 553/CTr-UBND và Nghị quyết số 01-NQ/TU theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
7. UBND huyện, thị xã, thành phố:
Rà soát và có giải pháp bổ sung đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số tại địa phương.
Chủ động lựa chọn và triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh.
Tiếp tục triển khai công tác đào tạo, tập huấn đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên không gian mạng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin cấp huyện đủ năng lực ứng cứu, xử lý kịp thời tình huống mất an toàn, an ninh thông tin.
Phát huy vai trò mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng của địa phương hỗ trợ triển khai nhanh, có hiệu quả về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến cấp cơ sở, phường, xã, khóm, ấp.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành Chính quyền điện tử tại địa phương trong năm 2024, đảm bảo "Tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến năm 2025 đạt 90%” (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh).
8. Các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin: Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số, xã hội số: thanh toán thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, các ví thanh toán liên thông thông suốt...
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Thúy - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và là động lực trong phát triển tỉnh An Giang. Để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục quyết tâm, đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từng bước đẩy mạnh thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh./.