An Giang triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử

SoTTTT AG - Để thực hiện nghiêm quy định về lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Ngày 13/11/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CTTTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác lập hồ sơ, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử.
 
Thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm việc lập hồ sơ công việc và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh theo trách nhiệm quy định tại Điều 9 và Điều 19 Luật Lưu trữ;
 
Xây dựng Kế hoạch, Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tại cơ quan, đơn vị mình, chậm nhất đến hết năm 2020 giải quyết dứt điểm tài liệu được hình thành từ năm 2015 trở về trước đang bó gói, tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức bố trí kho lưu trữ đáp ứng yêu cầu bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật; tổ chức khai thác tài liệu lưu trữ có hiệu quả.
 Bố trí công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ trong tổng biên chế được giao, đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư số 13/2014/TT-BNV ngày 31 tháng 10 năm 2014 và Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 31 tháng 10 năm 2014 của Bộ Nội vụ theo tinh thần Chỉ thị số 117/CT-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh;
 
Chậm nhất đến năm 2020 hoàn thành việc quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý văn bản, giải quyết công việc và lập hồ sơ điện tử về văn thư, lưu trữ.
 Tăng cường tập huấn cho công chức, viên chức về việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan.
 Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công chức, viên chức đối với công tác lập hồ sơ công việc; đưa việc chấp hành pháp luật về văn thư, lưu trữ thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ triển khai xây dựng mã hồ sơ lưu trữ văn bản điện tử cho các đơn vị trực thuộc sở, ban ngành, huyện, thị xã thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 41/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chế sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang.
 
Đối với Sở Nội vụ rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ cho phù hợp với quy định hiện hành; Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức về công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử các cấp; Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện các quy định về sử dụng dịch vụ lưu trữ; thẩm định năng lực chuyên môn của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ trên địa bàn tỉnh; Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
 
Riêng Sở Tài chính bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm cho các cơ quan, tổ chức và địa phương để thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ theo quy định tại Điều 39 Luật Lưu trữ.
Sở Xây dựng hướng dẫn, thẩm định hồ sơ thiết kế đối với các Dự án đầu tư xây dựng công trình, trụ sở làm việc mới của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo có bố trí kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định.
 
Nguồn CV số 1972/UBND-TH ngày 13/11/2017