An Giang: Thực hiện công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2018

SoTTTT AG - Để đảm bảo công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ, quyết liệt và hiệu quả.
 
Ngày 09/8/2018, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Công văn yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 403/TB-BCĐĐHG ngày 22/6/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Đồng thời triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
 
1. Các Sở, ban ngành, cấp tỉnh; UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương triển khai phổ biến, tuyên truyền các quy định, thông tin chính xác về giá tại địa phương; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm tại Công văn số 399/UBND-KTTH ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý giá sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.
 
2. Từ nay đến cuối năm 2018, để tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá, yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
 
Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và các cơ quan có liên quan thực hiện thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa những thông tin chính xác về giá, chuyển tải các thông tin để hỗ trợ các cơ quan chức năng tại địa phương và người dân tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân;
 
Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Cục Thống kê và UBND cấp huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và việc xác định giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; kiểm soát mức giá đối với hàng hóa mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc được trợ cước, trợ giá; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh;
 
Sở Công Thương: Chủ trì, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ, Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 của Bộ Công Thương và Quyết định số 78/2017/QĐ-UBND ngày 08/11/2017 của UBND tỉnh; Hướng dẫn cho UBND cấp huyện tiếp nhận và giám sát việc kê khai giá sữa không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường. Thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa để kịp thời điều chỉnh Thông báo danh sách đăng ký giá, kê khai giá sữa. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triển khai tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc,…
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh chế biến; nắm bắt hiện trạng số lượng lợn chăn nuôi và khả năng cung cấp lợn thịt xuất chuồng trên địa bàn từ nay đến cuối năm, đề xuất giải pháp cân đối cung cầu;
 
Sở Giao thông vận tải: Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ hội từ nay đến cuối năm; thực hiện kê khai, niêm yết và thu giá cước và công bố công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành. Chủ động kiểm tra, giám sát giá cước vận tải và thực hiện việc rà soát mức giá kê khai theo quy định của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai giá không phù hợp; tăng cường quản lý và kiểm tra chặt chẽ việc niêm yết giá cước và các dịch vụ vận tải;
 
Sở Xây dựng: Theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để có biện pháp quản lý phù hợp; chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao, chủ động nghiên cứu có giải pháp sử dụng các vật tư thay thế việc sử dụng cát trong san lấp mặt bằng;
 
Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu UBND tỉnh quản lý tốt việc khai thác các mỏ vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời vẫn phải bảo đảm nguồn cung cho sản xuất kinh doanh. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất các khu đô thị, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường khi xảy ra biến động bất thường;
 
UBND cấp huyện: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý giá cả hàng hóa, dịch vụ đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp quản lý giá và bình ổn thị trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; chủ động ban hành các giải pháp bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai giá, niêm yết và bán đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật./.
 
Nguồn: CV số 841/UBND-KTTH ngày 09/8/2018 của UBND tỉnh
Phùng Nhung