An Giang: Kết quả thực hiện các Chương trình trọng điểm theo Nghị quyết của Đại hội X Đảng bộ tỉnh 6 tháng đầu năm 2017

SoTTTT AG - Với mục tiêu phát triển cho 5 năm, giai đoạn 2015-2020 tỉnh An Giang xác định bao gồm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, huy động nguồn nội lực và ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu ...
 
SoTTTT AG - Với mục tiêu phát triển cho 5 năm, giai đoạn 2015-2020 tỉnh An Giang xác định bao gồm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế, huy động nguồn nội lực và ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
 
Nghị quyết của Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra 15 chỉ tiêu phát triển chủ yếu bao gồm: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 05 năm đạt 7%. (2) GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2020 đạt 48,6 triệu đồng/người. (3) Tổng vốn đầu tư xã hội 05 năm đạt khoảng 148.000 tỷ đồng. (4) Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,05 tỷ USD. (5) Thu ngân sách 05 năm đạt 31.985 tỷ đồng. (6) Tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đến năm 2020: mẫu giáo đạt 70%, tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt 80%; trung học phổ thông và tương đương đạt 50%. (7) Trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 đạt 50%. (8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2020 đạt 65%. (9) Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2016 - 2020) bình quân 1,5%/năm. (10) Quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 2.175.000 người. (11) Số bác sĩ trên 01 vạn dân đến năm 2020 đạt 08 bác sĩ/vạn dân. (12) Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020 đạt 80%. (13) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh 90%. (14) Có 60 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. (15) Bình quân mỗi năm kết nạp 3.000 đảng viên, đạt tỷ lệ 3,13% dân số.
 
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 5 Chương trình trọng điểm bao gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tề mũi nhọn và phát triển hạ tầng du lịch.
Theo đó, tính đến tháng 6/2017, An Giang đã đạt được các kết quả như sau:
* Về Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020:
An Giang phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 61/119 xã chuẩn nông thôn mới (NTM); bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 15 tiêu chí/ xã; xây dựng huyện Thoại Sơn đạt chuẩn “huyện nông  thôn mới”; TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
 
Đến nay, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 gồm 19 tiêu chí và 49 chỉ tiêu, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh; phát hành 1.200 cuốn sổ tay cẩm nang và 1.600 tờ gấp tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền cho 20.854 lượt người; triển khai gói kỹ thuật – tài chính – thị trường cho 7 sản phẩm, hiện đã thực hiện được 4/7 gói cho bắp, nấm, bò và tôm càng xanh; hỗ trợ gắn kết 19 hợp tác xã và 32 tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết tiêu thụ dưa lưới, rau an toàn, đậu nành rau và bắp non, chuối cấy mô…; ban hành 14 danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; tổ chức 442 lớp đào tạo nghề, đạt 102% kế hoạch năm; xây dựng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với cầu giao thông nông thôn; thực hiện 125/451 công trình thuỷ lợi phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, thuỷ sản; toàn tỉnh có 108 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 14,55%); 153/156 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập mầm non; 156/156 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 1…
Riêng năm 2017, An Giang phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn 31/119 xã (chiếm 26,05%). Kết quả các xã đạt chuẩn nông thôn mới 2017, xã đạt cao nhất là 16/19 tiêu chí, thấp nhất 11/19 tiêu chí.
 
* Về Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025:
Tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá An Giang. Theo đó, đã tổ chức đoàn doanh nghiệp diện 2 nhóm hàng hoá (thuỷ sản và rau củ, quả) làm việc với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ và các doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến. Ký kết kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động phát triển thương mại bien giới 2017; kết nối nhà phân phối tỉnh Kom Tum…
Đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và Đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh; nghiên cứu những chính sách hỗ trợ để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập.
Tổ chức thực hiện được 102 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chọn tạo được giống lúa nếp, giống lúa đặc sản; sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực; sinh sản nhân tạo một số loại cá nước ngọt, …Đồng thời hướng dẫn thủ tục đăng ký 37 nhãn hiệu; đang xây dựng 04 Dự thảo kế hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, bao gồm: tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa, gạo chất lượng và an toàn; phát triển thuỷ sản bền vững; chuyển đổi đất lúa sang màu và cây ăn quả; tái cơ cấu chuỗi giá trị ngành chăn nuôi bền vững… Với nguồn vốn thực hiện là 96.697 triệu đồng.
 
* Về Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020:
Đến nay, đã có 30 đơn vị gồm 22 Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và 8 huyện, thị, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện. Tổ chức tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thực của CBCC trong toàn hệ thống chính trị. Đề xuất kế hoạch kiểm tra một số cơ quan phụ trách chỉ số thành phần bị giảm điểm, xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Tổ chức đoàn làm việc với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam …
 * Đồng thời tỉnh đã Ban chấp hành đảng bộ tỉnh ban hành Chương  trình hành động số 09-Ctr/TU về phát triển ngồn nhân lực phuc vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 và Chương trình số 59/Ctr-UBND phát triển hạ tầng du lịch An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025./.