SoTTTT AG - Ngày 8/5/2018, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định số 1004/QĐ-UBND phê duyệt “Phương án xây dựng cánh đồng lớn của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn giai đoạn 2018 – 2020” với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 920.201,7 triệu đồng.
Theo đó, phương án được thực hiện trên địa bàn 06 xã: An Bình, Bình Thành, Vọng Thê, Vĩnh Phú, Vọng Đông, Mỹ Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tổng nhu cầu vốn đầu tư là 920.201,7 triệu đồng. Trong đó, vốn công ty là 767.212 triệu đồng, vốn dân 141.732 triệu đồng, vốn HTXNN 133 triệu đồng và vốn NSNN 11.124,7 triệu đồng.
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của các đối tác tham gia; bảo đảm ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; nâng cao chất lượng nông sản, góp phần xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo; Đồng thời, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và tổ chức đại diện nông dân (TCND) để sản xuất tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng, trên cơ sở xuất phát từ lợi ích kinh tế của đôi bên nhằm tạo ra nguồn hàng với số lượng và chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, năm 2018 đạt diện tích gieo trồng tối thiểu 60 ha liền thửa, năng suất khoảng 6 tấn/ha, sản lượng ước đạt 360 tấn tại xã An Bình - Thoại Sơn.
Phấn đấu đến năm 2022, đạt diện tích gieo trồng 5.400 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha với sản lượng 32.400 tấn. Cụ thể sẽ phấn đấu đến năm 2020, diện tích canh tác đạt tối thiểu 1.800 ha/vụ tại 06 vùng CĐL thuộc 06 xã: An Bình, Vọng Thê, Vĩnh Phú, Bình Thành, Vĩnh Phú và Mỹ Phú Đông của huyện Thoại Sơn (diện tích canh tác mỗi vùng cánh đồng lớn đạt diện tích ít nhất là 300 ha/vụ).
Nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng áp dụng quy trình SRP hoặc 1P5G.
Giảm giá thành sản xuất 10% và góp phần tăng lợi nhuận 10-15% so với mô hình truyền thống (không tham gia mô hình CĐL).
Tất cả các tổ chức đại diện nông dân gồm hợp tác xã (HTX) hoặc Tổ hợp tác (THT) tham gia trong mô hình cánh đồng lớn CĐL tổ chức triển khai ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng với Công ty và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phương án phù hợp điều kiện thực tế. Riêng đối với nguồn kinh phí hỗ trợ nông dân lưu kho tại doanh nghiệp khi Chính phủ có chủ trương tạm trữ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh quyết định xem xét hỗ trợ theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm của tỉnh từ nguồn kinh phí theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP do tỉnh quản lý./.
Nguồn: QĐ số 1004/QĐ-UBND ngày 8/5/2018