SoTTTTT AG - Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh An Giang; trong 9 tháng đầu năm 2018, việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: công khai, minh bạch trong các hoạt động; kê khai, khai minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân; xây dựng quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuyển đổi vị trí công tác… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng đi vào thực chất hơn.
Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, sự quan tâm và thường xuyên kiểm tra, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng.
Kết quả năm 2017, chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công“ của Tỉnh thuộc nhóm đạt cao nhất cả nước (từ 5,76 điểm lên 6,95 điểm, tăng 21 bậc so với năm 2016).
* Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN chưa đồng đều, liên tục và thiếu chiều sâu. Các phương tiện truyền thông chủ yếu đưa tin về các vụ việc tham nhũng; còn các tin, bài về nêu gương điển hình và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN còn hạn chế, thời lượng thấp, chưa thường xuyên. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa trở thành chuyên đề, còn lồng ghép vào với các cuộc hội họp.
Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu, nặng tính hình thức, có nể nang, né tránh. Chưa phát huy tốt tính tích cực của cán bộ, đảng viên, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân trong đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng để kịp thời phát hiện, xử lý tham nhũng.
Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ còn nhiều khó khăn đối với một số đơn vị chỉ có 01 vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi.
Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập rộng nên việc giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện phải kê khai là khó khả thi. Mặt khác, quá trình thực hiện hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập đã bộc lộ những vướng mắc, như việc xác định giá trị từng loại tài sản, thời điểm phát sinh tài sản có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc kê khai cũng khác nhau. Chưa có quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm đối với người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc tài sản, tài sản tăng thêm, giải trình nguồn gốc tài sản khi kê khai lần đầu. Do đó, công tác PCTN qua giải pháp kê khai tài sản, thu nhập chưa đạt hiệu quả cao.
Theo đó, định hướng công tác phòng chống tham nhũng trong 3 tháng cuối năm; An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Nhất là các văn bản mới được ban hành như: Quy định định số 65QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 29KH/TU ngày 13/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Ban chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 584-QĐ/TU ngày 10/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thuộc cấp mình và cấp dưới quản lý và các văn bản quan trọng khác dự kiến ban hành trong năm 2018 như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi),…
Thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCTN trong phạm vi quản lý. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 1666/CT-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tăng cường thanh tra, tự kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm về PCTN theo kế hoạch, nhất là ở những lĩnh vực, bộ phận dễ xảy ra hành vi tham nhũng; tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tham nhũng.
Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp của các cơ quan hành chính, tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tạo điều kiện để mọi người tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng./.
Nguồn: Báo cáo số 138 /BC-TTT ngày 24/9/2018
PTAH