An Giang chủ động ứng phó với lũ sớm

SoTTTT AG - Ngày 24/7/2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có văn bản triển khai Công điện số 24/CĐ-TW ngày 19/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
 
Theo tin từ Trung tâm dự báo KTTV Trung ương từ ngày 15-18/7, ở trung lưu sông Mê Kông đã có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 80-150 mm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên; mực nước cao nhất ngày 18/7 trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,99 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,81 m. Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh, đến ngày 24-27/7, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,0 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,6 m, sau đó biến đổi chậm.
 
Theo Bản tin dự báo nước lên trên sông Cửu Long ngày 19/7/2017 của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang thì khu vực hạ nguồn sông Cửu Long tại Chợ Mới, Long Xuyên đỉnh triều cao nhất ngày sẽ lên nhanh trong tuần cuối tháng 7 theo kỳ triều cường và có khả năng đạt mức cao hơn BĐ1. Sau đó, tình hình mực nước còn diễn biến phức tạp.
 
Đây là đợt lũ sớm, xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và có thể còn diễn biến phức tạp; để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do lũ gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể sau:
Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân vùng sâu, vùng xa nhất là vùng thấp, trũng ven sông, kênh, rạch để chủ động phòng tránh phù hợp.
 
Rà soát, kiểm tra các hạng mục công trình phòng, chống ngập úng; đề phòng tình trạng các bờ bao bị xói lở, sụp lún do mưa lớn kết hợp với kỳ triều cường dẫn đến nguy cơ gây bể bờ, tràn bờ; có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “bốn tại chỗ”; khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài; đồng thời, tổ chức lắp đặt các trạm bơm di động, đảm bảo đủ nguồn điện để chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái...
Đồng thời, rà soát, kiểm tra dập bỏ các cống, bọng kém chất lượng bị rò rỉ nước, kịp thời xử lý những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái.
 
Ngoài ra, chủ động thu hoạch diện tích lúa Hè thu sớm, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng, những diện tích sản xuất ngoài đê bao. Đối với diện tích lúa Hè Thu chưa đến ngày thu hoạch, lúa Thu Đông sớm, đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời gia cố đê bao; duy tu, sửa chữa cống, bọng; chủ động lắp đặt các trạm bơm di động để dự phòng trường hợp lũ sớm, mưa lớn kéo dài gây ngập úng.
 
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để tổ chức cảnh báo, tuyên truyền vận động người dân có ý thức di dời nhà cửa, công trình nằm trong khu vực sạt lở đến nơi an toàn; phối hợp với các ngành chức năng cắm biển cảnh báo, khuyến cáo người dân không sinh hoạt trong khu vực sạt lở nguy hiểm.
Khẩn trương cứu nạn, cứu hộ cho người và tài sản khi có sự cố thiên tai xảy ra. Rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống cho nhân dân.
 
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang quản lý, vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý theo yêu cầu thực tế từng khu vực vào thời điểm sản xuất.
Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế và Trạm Thủy lợi tăng cường kiểm tra và đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình nạo vét kênh mương, gia cố nâng cấp đê bao và duy tu, sửa chữa cống bọng nhằm đảm bảo phục vụ cho sản xuất./.
 
Nguồn: VB số 39/PCTT ngày 24/7/2017 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN