Chiều 01/11, Đoàn Giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông do Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, năm 2023 tại An Giang. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Võ Minh Tuấn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp và làm việc với Đoàn.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tại An Giang
Đại biểu dự buổi giám sát
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu góp ý tại buổi làm việc
Ông Chau Anne, Phó Trưởng phụ trách Ban Dân tộc tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc
Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng kết luận buổi làm việc
Đoàn Giám sát đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và đại diện các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh về đánh giá tình hình triển khai thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh An Giang năm 2023, bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nắm khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; các đề xuất, kiến nghị.
Kết luận buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại An Giang. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác, nội dung thông tin và truyền thông trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt ở An Giang, là tỉnh giáp biên giới, do đó công tác thông tin truyền thông đối nội và đối ngoại vô cùng quan trọng; cần phát huy tối đa hiệu quả thông tin, tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, từ sớm, từ xa, để an dân, bảo vệ đất nước.
Việc triển khai công tác thông tin và truyền thông các chương trình mục tiêu quốc gia chậm cũng ảnh hưởng đến việc thực hiệc các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng- an ninh.
Do đó, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông An Giang thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo điều hành về các Chương trình mục tiêu quốc gia đến các cấp, các ngành và tầng lớp Nhân dân kịp thời, chính xác và đầy đủ. Đồng thời, sớm tham mưu lãnh đạo tỉnh thực hiện kế hoạch năm 2024, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 và 2023; tập trung đẩy nhanh thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, để đến năm 2025 thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã thực hiện tốt công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành, phân công thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, thực hiện đạt nhiều kết quả.
Đến nay, thực hiện tiêu chí thông tin và truyền thông trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 110/110 xã đạt 3 tiêu chí: có điểm phục vụ bưu chính; có dịch vụ viễn thông, internet; có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp (đạt tỷ lệ 100%); 105/110 xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành (đạt tỷ lệ 95,45%). Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao: 110/110 xã đạt tiêu chí điểm phục vụ bưu chính đáp ứng cung dịch vụ công trực tuyến cho người dân, thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, dịch vụ báo chí, truyền thông; 100/110 xã đạt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã thiết lập 2 cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại Cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) và Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu).
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đang lập dự án đầu tư thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại 14 xã, kinh phí gần 1,430 tỷ đồng, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.
Tại buổi làm việc, tỉnh kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, hỗ trợ kinh phí để thay thế màn hình led của Cụm thông tin điện tử công cộng tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (TX. Tịnh Biên) vào năm 2025, vì cụm này đã đầu tư từ năm 2018, đến nay đã xuống cấp; xem xét hướng dẫn giúp các địa phương thực hiện đầy đủ các nội dung theo mục tiêu “ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, như: hỗ trợ trang thiết bị để hướng dẫn và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.
Theo Cổng TTĐT tỉnh AG