SoTTTT AG - Nhằm đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ hành chính, hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa Phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2018 – 2020.
Hàng năm, An Giang sẽ triển khai đo lường và công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện (gọi tắt là Chỉ số hài lòng về hành chính) trên địa bàn tỉnh bao gồm 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế và UBND 11 huyện, thị xã, thành phố.
Các yếu tố đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức bao gồm 05 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, với tổng cộng 16 tiêu chí, khảo sát tại cơ quan hành chính nhà nước, Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh
Chỉ số hài lòng về hành chính được công bố kết quả vào quý II của năm tiếp theo liền kề năm đánh giá; Trên cơ sở kết quả Chỉ số hài lòng về hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để cải thiện chất lượng phục vụ; đề xuất sáng kiến cải cách hành chính để từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Đồng thời, kết quả Chỉ số hài lòng là một tiêu chí dùng để xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ: (1) Chủ trì triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020. (2) Hàng năm, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng hành chính. (3) Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng hành chính theo quy định. (4) Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng và Công bố Chỉ số hài lòng hành chính trên địa bàn tỉnh hàng năm. (5) Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng hành chính. (6) Tổ chức tập huấn, hội thảo triển khai Đề án đo lường sự hài lòng hành chính. (7) Nghiên cứu, rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Đề án Đo lường sự hài lòng hành chính, phương pháp và cách thức tổ chức, triển khai phù hợp với điều kiện thực tế. (8) Giám sát, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp việc triển khai đo lường sự hài lòng trên địa bàn tỉnh. (9) Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh về việc triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang hàng năm. (10) Xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh về kết quả đo lường sự hài lòng hành chính hàng năm.
Giao các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố: (1) Phối hợp, hỗ trợ Sở Nội vụ trong triển khai điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương. (2) Nghiên cứu, đóng góp ý kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức, triển khai Đề án Đo lường sự hài lòng hành chính của tỉnh gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. (3) Tổ chức thông tin, tuyên truyền việc triển khai và kết quả đo lường sự hài lòng hành chính. Sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng của cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao mức độ hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn: Quyết định 2063/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2018
PTAH