Sáng ngày 18/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 68 điểm cầu tại các địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị; Tham dự tại điểm cầu chính có đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành trung ương, UBND thành phố Hà Nội. Tại điểm cầu tỉnh An Giang có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì Hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải, toàn thể cán bộ chủ chốt Sở Thông tin và Truyền thông cùng tham dự.
Tại Hội nghị, Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Thông tin và Truyền thông
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham dự tại điểm cầu tỉnh An Giang
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục. Các chính sách hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả. Khu vực sản xuất trong nước, các thị trường đối tác lớn của Việt Nam phục hồi, tăng trưởng; các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, đa dạng hóa toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ “vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.
Năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Truyền thông, báo chí đã góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo doanh thu) ướcđạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất 6,7% so với năm 2021.
Lĩnh vực Bưu chính: Sản lượng bưu gửi tăng 38%; Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 16%; Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Bưu chính tăng 16%; Số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng 12%, so với năm 2021.
Lĩnh vực Viễn thông: ước doanh thu dịch vụ Viễn thông đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,8%, tăng 1,4% so với năm 2021; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12/2022 ước đạt 74,5% xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75% tăng 7,5 %, so với cùng kỳ năm 2021.
Lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và chính phủ số: Tổ chức thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong các cơ quan nhà nước; Tổ chức triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia; Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) năm 2022: 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Tổ CNSCĐ. (Trong đó, 46/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành thành lập 100% Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp xã). Số Tổ CNSCĐ đã được thành lập: 68.933 tổ. Số người tham gia Tổ CNSCĐ: 320.839 thành viên.
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng: Tổ chức thành công 02 sự kiện thường niên lớn về an toàn thông tin; Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng tính đến tháng 11/2022 đạt 3.418 người, dự kiến tăng trưởng đến hết năm 2022 đạt 3.618 người, tăng 8,4% so với năm 2021. Tỷ lệ các chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đến nay đạt 95,5%, tăng thêm 50% so với năm 2018.
Lĩnh vực kinh tế số và xã hội số: Theo số liệu tạm ước tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP 09 tháng đầu năm 2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc sử dụng các nền tảng số nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã hỗ trợ cho các DN tiếp cận và sử dụng các nền tảng xuất sắc, có uy tín với những ưu đãi để DN phát triển. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx tăng 481% so với năm 2022, đạt 256% so với Kế hoạch đề ra.
Lĩnh vực công nghiệp ICT: Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 34.336 triệu USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021 và đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Số doanh nghiệp công nghệ số đang thực sự hoạt động 44.000 doanh nghiệp.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới, đột phá mang tính bước ngoặt theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, quản lý và điều tiết thông tin theo hướng “quản số lớn”, kịp thời định hướng nhắc nhở, chấn chỉnh những vấn đề trên không gian báo chí, truyền thông và trong hoạt động báo chí. Điểm mới trong chỉ đạo là, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ, làm trọng tâm, quyết liệt, nghiêm minh, dứt điểm, ưu tiên việc khó, với quan điểm đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ với đối tượng quản lý. Tỷ lệ ngăn chặn tin xấu, độc của các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, Tiktok) vẫn được duy trì ở mức cao (trên 90%). Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đầu tư thiết lập mới cho các xã chưa có đài truyền thanh; chuyển đổi đài truyền thanh có dây/không dây FM bị hỏng, xuống cấp không còn hoạt động sang truyền thanh CNTT-VT để từng bước hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở. Tính đến 15/11/2022, cả nước có 1.104 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, chiếm 11,25% (tăng 476 đài so với năm 2021).
Lĩnh vực xuất bản: Doanh thu Lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành ước đạt năm 2022 là 96.433 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với năm 2021 nhưng vẫn chưa bằng năm 2019 và năm 2020 (trước khi Covid-19 xảy ra). Số lượng tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành ước thực hiện năm 2022 là 4.437 doanh nghiệp, tăng khoảng 1% so với năm 2021. Số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200, tăng 59% so với năm 2021.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết, năm 2023 tới sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các công tác để tạo ra sự thay đổi cơ bản về dữ liệu Việt Nam vì tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành tích mà Bộ Thông tin và Truyền thông đạt được trong năm 2022, hy vọng năm 2023, thành tích này sẽ lớn hơn, hiệu quả hơn. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị phải xác định có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, để từ đó Bộ cần chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Về chuyển đổi số, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề được thế giới hết sức quan tâm, đề cập đến rất nhiều cùng vấn đề biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, lợi ích của người dân… Chuyển đổi số đang làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm…, do đó, chúng ta phải nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này. Đổi mới sáng tạo thì phải phát triển hạ tầng, có con người và phải kết nối; kết nối phải đổi mới sáng tạo và do con người, phải tập trung vào chuyển đổi số. Thủ tướng đề nghị phải chung tay phát triển chuyển đổi số lành mạnh, an toàn, bình đẳng, người dân được tiếp cận chuyển đổi số một cách thực sự. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các nhiệm vụ giải pháp của Bộ TT&TT phải “kiểm đếm được, ra sản phẩm cụ thể”; mong Bộ với các thành tựu đạt được năm 2022, kế thừa và phát huy các chương trình sát thực tế, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguồn lực của Bộ; trong quá trình làm chắc chắn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải nỗ lực vượt qua; với tình hình thay đổi thì tư duy phương pháp luận cũng phải thay đổi.
Thủ tướng đánh giá các nhiệm vụ đề ra của Bộ “đúng, trúng” nhưng mong Bộ thực hiện thật tốt; điều quan trọng là phải phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong đó có thể chế về công tác truyền thông, chuyển đổi số, liên quan vấn đề công nghệ, quản lý nhà nước, truyền thông và phát triển khoa học công nghệ; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; không được điều hành “giật cục”. Cuộc sống bao giờ cũng đi trước, trong khi tổng kết lý luận đi sau thực tiễn; nhưng chúng ta phải làm thật nhanh; tránh tình trạng thiên lệch về một mặt nào đó. Truyền thông phải đi đầu chứ không đi theo; phải là một trong những động lực truyền cảm hứng cho đổi mới, sáng tạo để phát triển đất nước.
Thủ tướng đề nghị phấn đấu phủ sóng viễn thông toàn diện, bao trùm đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người dân được hưởng thụ dịch vụ viễn thông; giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo việc này, “điện đi đến đâu, viễn thông đi đến đó”, cố gắng ở đâu cũng có điện, ở đâu cũng có viễn thông, đưa điện và dịch vụ viễn thông đến mọi miền Tổ quốc.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, không nên hiểu đây là cơ sở dữ liệu chỉ riêng của Bộ Công an, phải coi đây là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Thủ tướng hoan nghênh Bộ lấy năm 2023 là Năm Dữ liệu quốc gia; phải làm bằng được, nhất là dữ liệu đất đai phải hoàn thành; Bộ Xây dựng cùng Bộ Công an xây dựng dữ liệu về nhà ở, từ đó giảm thời gian thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp với tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống”, phải cập nhật liên tục, tức là lại quay lại vấn đề phải có hạ tầng, có con người, có kết nối trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn đầu tư xã hội; đặt trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế; phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam; có Chính phủ số phải có công dân số; phát triển dịch vụ số đi sâu đến tận vùng sâu, vùng xa, làm cho người dân sử dụng nền tảng số trở thành việc thường ngày; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân; thúc đẩy thương mại điện tử, phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành thông tin và truyền thông.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Muốn vậy phải hoàn thiện hệ thống điện và viễn thông. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Về lâu dài cần phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip. Về điểm này cần phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam.
Ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; xây dựng cơ chế, chế tài xử lý các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước; hoạt động lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta phải đấu tranh trên tinh thần lợi ích hài hòa, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước; tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới; luôn luôn đổi mới sáng tạo kịp thời, hiệu quả; chăm lo đời sống cán bộ, công chức và người lao động phù hợp quy định và hoàn cảnh.
Thuận-HA