(sotttt.angiang.gov.vn) - Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và kỷ niệm 45 năm Ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979 - 23/8/2024) (gọi tắt là Lễ công bố) vào ngày 09 tháng 9 năm 2024 tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (khóm Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là niềm vui, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn, mà hơn hết là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang trong công tác xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, sự kiện cũng là dịp ôn lại quá trình hình thành và phát triển huyện Thoại Sơn trong 45 năm; giáo dục truyền thống nhớ ơn những người đã có công vun đắp, xây dựng để huyện Thoại Sơn phát triển. Nhân sự kiện là dịp tuyên truyền, quảng bá về Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, tạo thuận lợi trong quá trình lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
1. Tên sự kiện: LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÔNG NHẬN HUYỆN THOẠI SƠN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO NĂM 2023 VÀ KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY TÁI LẬP HUYỆN THOẠI SƠN (23/8/1979 - 23/8/2024).
2. Nội dung chính lễ công bố
a) Chương trình buổi Lễ công bố
- Phần mở đầu: Đón tiếp đại biểu và văn nghệ chào mừng; chào cờ, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu;
- Trình chiếu phóng sự “Huyện nông thôn mới nâng cao Thoại Sơn - thành tựu và tự hào”;
- Báo cáo tóm tắt huyện Thoại Sơn 45 năm xây dựng và phát triển;
- Công bố Quyết định, trao và đón nhận Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nông cao 2023;
- Phát biểu của Lãnh đạo Trung ương;
- Phát biểu của Lãnh đạo Tỉnh An Giang;
- Phát biểu tiếp thu của Bí thư huyện ủy Thoại Sơn;
- Khen thưởng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBND huyện Thoại Sơn;
- Nghi thức công bố và đón nhận Kỷ lục Việt Nam cho huyện Thoại Sơn với nội dung: “Huyện xây dựng và vận động xã hội hóa được nhiều nguồn Quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn (Từ năm 2003 đến nay với 31 nguồn quỹ)”.
b) Thời gian, địa điểm
- Thời gian: bắt đầu 8 giờ 00 phút, ngày 09 tháng 9 năm 2024;
- Địa điểm: Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (khóm Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
c) Thành phần đại biểu và khách mời tham dự Lễ công bố
- Đại biểu Trung ương gồm đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
- Đại biểu các địa phương lân cận: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và Thành phố Cần Thơ.
- Đại biểu trong tỉnh:
+ Đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
+ Đại biểu là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh;
+ Thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh, lãnh đạo Sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo cấp ủy huyện, thị, thành, lãnh đạo UBND huyện, thị, thành.
+ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, thành viên Tổ giúp việc các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.
+ Đại biểu của huyện Thoại Sơn, đại biểu của cấp xã, các tổ chức, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng, đại diện doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
- Đại biểu các huyện: Vĩnh Thạnh – Thành phố Cần Thơ; Tân Hiệp – tỉnh Kiên Giang, Hòn Đất – Kiên Giang, Sơn Trà – Thành phố Đà Nẵng, Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long.
- Các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh, Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh An Giang, Văn phòng đại diện Báo Nhân dân tại An Giang và một số cơ quan báo, đài Trung ương, khu vực, ngoài tỉnh dự và đưa tin.
3. Tóm tắt kết quả xây dựng huyện Thoại Sơn đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới nâng cao” năm 2023
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Xác định được mục tiêu, nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện trong trung hạn và hằng năm; đồng thời, đã chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện trải dài từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó chú trọng phấn đấu đạt mục tiêu 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Huyện Thoại Sơn, với nền tảng là huyện đạt chuẩn nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2018, với 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và tiếp tục giữ vững, nâng chất phấn đấu các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bước vào giai đoạn 2021-2025, với nhiều khó khăn thách thức, trong đó Bộ tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao các cấp đều được nâng cao, bổ sung nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, có chiều sâu về phát triển kinh tế, nâng cao tính thụ hưởng về văn hóa, an toàn về môi trường, chú trọng về chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Trong điều kiện nguồn lực của Trung ương và địa phương phân bổ trực tiếp cho Chương trình có hạn, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận dụng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của Nhân dân tại địa phương.
Đến nay, huyện Thoại Sơn đã thực hiện duy trì nâng chất 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và hoàn thành việc đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao ở 100% số xã trên địa bàn huyện theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện duy trì, nâng chất 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, cũng như hoàn thành 04/04 điều kiện quy định để đề nghị công nhận huyện NTM nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ kết quả trên đã được thể hiện qua nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả (phụ lục đính kèm).
Với những kết quả và thành tựu đạt được, ngày 01/8/2024 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg công nhận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thoại Sơn tự hào là một trong những huyện đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, đạt sớm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kì 2020 - 2025 đề ra.
Trên đây là nội dung Thông cáo báo chí Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và kỷ niệm 45 năm Ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979 - 23/8/2024), xin thông tin đến quý cơ quan, đơn vị, cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông trong tỉnh, Trung ương, khu vực và ngoài tỉnh./.
Trân trọng!
* Thông tin liên hệ
1. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
SĐT: 0918.411.574
2. Ông Võ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông
SĐT: 0944.977.797
3. Ông Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
SĐT: 0919.193.997
PHỤ LỤC
Mô hình hay, cách làm hiệu quả của huyện Thoại Sơn
Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
1. Về giao thông xây dựng, mở rộng mới 11 tuyến đường đến trung tâm xã từ 3,5 mét lên 7,5 mét, với chiều dài 43 km; đường liên xã, liên ấp được nhựa hoá 31 tuyến, với 118 km và đạt tỷ lệ 100% các tuyến; mô hình đội thi công cầu thiện nguyện cất mới 42 cây cầu bê tông kiên cố (kinh phí xã hội hoá 71%, Nhà nước hỗ trợ 29%), nhân công huy động Nhân dân và lực lượng cán bộ tham gia. Hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư mới 56 tuyến, với 136 km vốn xã hội hóa 50%, ngân sách 50%. Qua đó đã nâng tổng số tuyến đường có hệ thống chiếu sáng là 98 tuyến và chiều dài 401 km/401 km, đạt tỷ lệ 100%.
2. Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới: Có 114 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp, tổng kinh phí trên 32,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 8,2 tỷ đồng trên các lĩnh vực: 82 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt; 21 mô hình trong lĩnh vực thủy sản và 11 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua các mô hình hỗ trợ, nông dân đã nhân rộng trên toàn huyện với trên 425 mô hình, đã thu hút được doanh nghiệp lớn vào sản xuất, góp phần giải quyết khoảng 10.000 lao động tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, đến nay còn 1,17%.
3. Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo: Toàn huyện có 23 Quỹ Khuyến học khuyến tài với kinh phí vận động được hơn 23 tỷ đồng; huyện có 54 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, chiếm 80,5%, so mặt bằng chung của tỉnh là 55 %, so năm 2018 tăng 39 trường và thêm 58,2%. Thông qua các Quỹ Khuyến học khuyến tài đã giúp cho hàng nghìn con em học sinh khó khăn được đến trường và học đến nơi đến chốn; bên cạnh đó quỹ còn hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất và động viên giáo viên vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dạy và học.
4. Lĩnh vực y tế: Toàn huyện có 22 xe chuyển viện miễn phí chuyên dùng và có 18 quỹ giúp bệnh nhân nghèo; từ kinh phí các nguồn quỹ trên đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho bệnh nhân vượt qua khó khăn, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
5. Quỹ thiện nguyện: Toàn huyện có 31 Quỹ xã hội từ thiện, với kinh phí vận động được là 57 tỷ 190 triệu đồng; mô hình mái ấm tình thương của huyện với 18 Quỹ vận động kinh phí được 135 tỷ 764 triệu đồng làm nhà từ thiện và đã thực hiện cất hơn 2.650 căn nhà tình thương cho hộ nghèo và khó khăn về nhà ở của huyện; mô hình bếp ăn từ thiện ở các trường học,... Qua các mô hình này đã giúp được tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt trước lộ trình đề ra.
6. Mô hình Camera an ninh: Toàn huyện có 2.266 camera an ninh được lắp đặt trên các tuyến đường và các khu vực trọng yếu trên địa bàn huyện. Thông qua mô hình này giúp cho cơ quan Công an nắm bắt kịp thời về trật tự an ninh của huyện; đồng thời xử lý nhanh việc trấn áp tội phạm khi xảy ra trên địa bàn, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm. Từ đó góp phần ổn định trật tự xã hội của địa phương.